Thứ Năm, 1 tháng 11, 2012

Nuôi Chim Bồ Câu Pháp

Nuôi chim bồ câu Pháp - Mô hình làm giàu điển hình ở nông thôn

Hiện nay, mô hình nuôi chim bồ câu làm kinh tế đang được nhân rộng ra rất nhiều tỉnh thành trong cả nước, phổ biến ở các tỉnh: Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hải Dương, Thanh Hóa, Quảng Trị, Đắk Lắk, Bình Định,…Quy trình nuôi đơn giản, không đòi hỏi đầu tư nhiều, nhu cầu thị trường rất lớn, hiệu quả kinh tế từ nuôi chim bồ câu đã được khẳng định, đem lại thu nhập lớn cho bà con nông dân.

Trong các mô hình nuôi chim bồ câu lấy thịt, giống bồ câu Pháp được lựa chọn nhiều nhất bởi đây là giống chuyên thịt nổi tiếng, mỗi năm một cặp có thể đẻ 8-9 lứa, trọng lượng chim ra ràng (28 ngày tuổi) đạt 530-580g/con. Giống chim này có khả năng thích ứng cao với điều kiện khí hậu ở nước ta, tỷ lệ nuôi sống đạt 94-99%.

Chim bồ câu ra ràng thường được dùng làm thực phẩm như nấu cháo, hầm thuốc bắc để tẩm bổ sức khoẻ. Theo đông y, thịt bồ câu tính bình, vị mặn, dinh dưỡng phong phú, thơm, vị ngọt, là loại thực phẩm tốt cho người già, trẻ em, người bệnh và sản phụ. Trứng bồ câu có chứa protein 9,5%, chất béo 6,4%, hợp chất đường và calci, sắt, phốt pho…

Thịt chim bồ câu có tác dụng bổ thận kiện tì vị, ích khí huyết, dùng cho trường hợp gầy yếu, hư nhược, tiêu khát, hay quên, mất ngủ, thần kinh suy nhược, dinh dưỡng không tốt,… Trong y học cổ truyền, chim bồ câu được dùng với tên thuốc là cáp điểu hay gia cáp gồm thịt chim (cáp điểu nhục), tiết chim (cáp điểu huyết). Trong một số trường hợp, trứng chim (cáp điểu noãn) cũng được dùng. Chính bởi những đặc tính quý này nên thịt chim bồ câu rất có giá trên thị trường: một cặp giống bán ra trung bình khoảng 600 ngàn đồng/cặp, còn bồ câu ra ràng 120 ngàn đồng/cặp.

Theo anh Vũ Trọng Tạo- chủ Cơ sở nuôi chim bồ câu Sáng Tạo: “Nuôi chim bồ câu không khó, bởi chúng rất ít bị bệnh lại dễ tính, chỉ cần làm cho chim bồ câu chỗ ở thoáng mát, sạch sẽ và đầy đủ ánh sáng là được. Về nguồn thức ăn thì rất đơn giản, một ngày chim bồ câu ăn 2 bữa, chủ yếu là thóc và ngô cùng với nguồn nước uống sạch. Không phải lo về tiêu thụ sản phẩm, vì bồ câu là thức ăn quý và bổ dưỡng nên khách hàng thường vào tận nơi đặt hàng, nhiều khi không có đủ để cung cấp ra thị trường”.

Gia đình anh Tạo đến với nghề nuôi chim bồ câu rất tình cờ, đó là khi anh thấy có nhà một người bạn nuôi chim bồ câu lai thấy cho hiệu quả kinh tế cao, anh thấy say luôn nghề nuôi chim bồ câu. Và anh đã tự tìm tòi kỹ thuật nuôi chim trên mạng Internet, sách báo, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, thăm quan các mô hình đã nuôi thành công tại miền Bắc và Nam rồi anh quyết định đầu tư nuôi 50 đôi chim giống Pháp về nuôi thử. Qua thời gian nuôi thử nghiệm, tìm hiểu nhu cầu của thị trường, anh Tạo nhận thấy nuôi bồ câu là hướng đi mới đem lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.


Cơ sở nuôi chim bồ câu Sáng Tạo, thôn Tón, xã Việt Ngọc, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang

Với suy nghĩ đó, anh Tạo đã quyết tâm mở rộng mô hình nuôi chim bồ câu. Đến nay, gia đình anh đã có khoảng gần 400 cặp bồ câu bố mẹ sinh sản và luôn có 100 cặp bồ câu giống hậu bị sinh sản để phục vụ nhu cầu con giống. Với mô hình nuôi chim bồ câu, anh Tạo đã trở thành điển hình làm kinh tế giỏi của xã, được nhiều người trong và ngoài tỉnh đến tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm.

Trên cơ sở tổng hợp thông tin và tham khảo kinh nghiệm của một số chủ cơ sở nuôi chim bồ câu, bài viết sau đây sẽ đúc kết lại những bước cơ bản nhất trong quy trình nuôi chim bồ câu:

1. Chọn giống chim bồ câu

Chim bồ câu được chọn làm giống phải đảm bảo các yêu cầu: khỏe mạnh, lông mượt, không có bệnh tật, dị tật, lanh lợi: con trống to hơn, đầu thô, có phản xạ gù mái (lúc thành thục), khoảng cách giữa 2 xương chậu hẹp; con mái thường có khối lượng nhỏ hơn, đầu nhỏ và thanh, khoảng cách giữa 2 xương chậu rộng.


Chim giống tốt sẽ mang lại hiệu quả nuôi cao

Tuy nhiên, lúc bé rất khó phân biệt, ngay cả khi trưởng thành độ chính xác cũng khó đạt 100% nên khi mua cần tham khảo ý kiến của nơi mua hoặc các nhà chuyên môn đã có kinh nghiệm. Do bồ câu là loài chim đơn phối vì vậy khi nuôi sinh sản nên nuôi riêng lẻ từng cặp. Mỗi cặp bồ câu sinh sản có thể dùng sản xuất trong 5 năm, nhưng sau 3 năm đẻ, khả năng sinh sản giảm, do vậy cần phải tuyển lựa loại bỏ và thay chim bố mẹ mới.

Để có con giống chất lượng tốt người nuôi nên tìm mua tại các trại, các cơ sở có uy tín, có quy mô và kinh nghiệm nhiều năm trong chăn nuôi bồ câu. Tại đó, bạn có thể được cung cấp những kinh nghiệm quý báu từ thực tế chăn nuôi, được hỗ trợ về kỹ thuật chuồng trại, cách chăm sóc, phòng trị bệnh tốt nhất.

2. Chuồng nuôi

Theo kinh nghiệm, chuồng nuôi chim bồ câu phải thoáng mát thì chim mới mau lớn. Nếu là nuôi thả tự do thì chuồng nuôi yêu cầu phải có mái che mưa, nắng, có ổ cho chim mái đẻ trứng. Nếu nuôi chim để sinh sản và khai thác thịt cần có chuồng nuôi khác nhau.

Làm chuồng nên lấy tre chẻ ra thành nan, sau đó làm thành phên ghép lại. Chuồng nuôi phải có ánh sáng mặt trời, khô ráo, thoáng mát, sạch sẽ, tránh gió lùa, tránh ồn ào. Nên chia chuồng thành các ô nhỏ cho mỗi cặp chim: chiều cao 40 cm, chiều sâu 40 cm, chiều rộng 50 cm. Mỗi ô chuồng cần 2 ổ đẻ trứng và ấp trứng đặt ở trên, một ổ nuôi con đặt ở dưới. Phía trước ô khoét lỗ to bằng miệng bát cơm để chim có thể ra vào. Máng ăn và máng uống cho chim nên dùng bằng gỗ hoặc chất dẻo, không nên làm bằng kim loại, đảm bảo vệ sinh.



Chuồng nuôi chim bồ câu phải đảm bảo kỹ thuật, vệ sinh và các yếu tố khác

để giúp chim sinh trưởng tốt
Có 2 loại chuồng nuôi chim cơ bản:

a. Chuồng nuôi cá thể (dùng nuôi chim sinh sản từ 6 tháng tuổi trở đi)

Mỗi cặp chim sinh sản cần một ô chuồng riêng. Ô chuồng là một đơn vị sản xuất, trên đó được đặt các ổ đẻ, máng ăn, máng uống, máng đựng thức ăn bổ sung và 1 đôi trống mái sinh sản. Kích thước của một ô chuồng: Chiều cao: 40 cm; Chiều sâu: 60 cm; Chiều rộng: 50 cm

b. Chuồng nuôi quần thể: được chia làm 2 loại:


Mật độ không quá dày để chim sinh trưởng tốt

Chuồng nuôi chim hậu bị sinh sản (từ 2-6 tháng tuổi): Kích thước của 1 gian: Chiều dài: 6m; Chiều rộng: 3,5m; Chiều cao: 5,5m (cả mái). Máng ăn, máng uống, ổ đẻ, máng đựng thức ăn bổ sung được thiết kế riêng cho kiểu chuồng này.

Chuồng nuôi dưỡng chim thịt (nuôi vỗ béo chim thương phẩm từ 21-30 ngày tuổi): mật độ dày hơn 45-50 con/m2, không có ổ đẻ, không có máng ăn (chúng ta phải nhồi trực tiếp cho chim ăn), ánh sáng tối thiểu.

3. Các thiết bị nuôi

- Ổ đẻ: dùng để chim đẻ, ấp trứng và nuôi con: do đang trong giai đoạn nuôi con, chim bồ câu đã đẻ lại, nên mỗi đôi chim cần hai ổ đẻ, ổ ấp trứng đặt ở trên, ổ để nuôi con đặt ở dưới.

Ổ đẻ có thể làm bằng gỗ, hoặc chất dẻo nhưng yêu cầu phải khô ráo, sạch sẽ, tiện cho việc vệ sinh thay rửa thường xuyên, có thể sử dụng rơm lót ổ đẻ. Kích thước của ổ: Đường kính: 20 cm - 25cm, chiều cao: 7cm - 8cm.

- Máng ăn: Kích thước máng ăn cho một đôi chim bố mẹ: Chiều dài: 15cm; Chiều rộng: 5cm; Chiều sâu: 5cm x 10 cm.

- Máng uống: Có thể vỏ dùng đồ hộp, cốc nhựa…với kích thước dùng cho một đôi chim bố mẹ: Đường kính: 5-6 cm; chiều cao: 8 -10 cm.

Mật độ nuôi chim: Nếu nuôi nhốt theo kiểu ô chuồng thì mỗi ô chuồng là một đôi chim sinh sản. Nếu nuôi thả trong chuồng thì mật độ là 6-8 con/m2 chuồng. Khi được 28 ngày tuổi, chim non tách mẹ, lúc này nuôi với mật độ gấp đôi nuôi chim sinh sản (10-14 con/m2).

Chế độ chiếu sáng: Chuồng trại phải thiết kế thoáng đảm bảo cung cấp đủ ánh sáng cho chim. Tuy nhiên ở miền Bắc ban ngày mùa đông ánh sáng ngắn, có thể lắp bóng đèn 40w chiếu sáng thêm vào ban đêm (nếu nuôi theo quy mô lớn) với cường độ 4-5w/m2 nền chuồng với thời gian 3-4h ngày.

4. Dinh dưỡng và thức ăn nuôi chim

a.Các loại thức ăn thường sử dụng nuôi chim

Thông thường chim ăn trực tiếp các loại hạt thực vật: đỗ, ngô, thóc, gạo… và một lượng cần thiết thức ăn đã gia công chứa nhiều chất khoáng và vitamin.

+ Đỗ bao gồm: đỗ xanh, đỗ đen, đỗ tương,…Riêng đỗ tương hàm lượng chất béo nhiều nên cho ăn ít hơn và phải được rang trước khi cho chim ăn.

+ Thức ăn cơ sở: thóc, ngô, gạo, cao lương,..trong đó ngô là thành phần chính của khẩu phần. Yêu cầu của thức ăn phải đảm bảo sạch, chất lượng tốt, không mốc, mọt.

Chim bồ câu cần một lượng nhất định các hạt sỏi, giúp cho chim trong quá trình tiêu hoá của dạ dày (mề). Kích cỡ của các hạt: dài 0,5-0,8mm, đường kính 0,3-0,4mm. Vì vậy nên để sỏi vào máng dành riêng đựng thức ăn bổ sung cho chim ăn (trộn cùng với muối ăn và khoáng Premix).

b.Cách phối trộn thức ăn

Thức ăn bổ sung (chứa vào máng ăn riêng): Khoáng Premix: 85%; NaCl: 5%; Sỏi: 10%. Thông thường lượng hạt đậu đỗ từ 25-30%; ngô và thóc gạo: 75-75%. Bổ sung liên tục trong máng cho chim ăn tự do.

Tuy nhiên hỗn hợp được trộn nên dùng với một lượng vừa phải. Không nên để thức ăn bổ sung quá nhiều trong một thời gian dài gây biến chất các thành phần có trong hỗn hợp.

Phối trộn thức ăn với tỷ lệ dinh dưỡng hợp lý

Khi phối trộn thức ăn, càng nhiều thành phần càng tốt, đảm bảo đủ chất lượng và bổ sung hỗ trợ cho nhau đạt hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, nguyên liệu khác nhau cách phối hợp cũng khác nhau, thông thường lượng hạt đậu đỗ từ 25-30%; ngô và thóc gạo 75-75%.

c.Cách cho ăn

- Thời gian: 2 lần trong ngày buổi sáng lúc 8-9h, buổi chiều lúc 14-15 h, nên cho ăn vào một thời gian cố định trong ngày.

- Định lượng: Tuỳ theo từng loại chim mà chúng ta cho ăn với số lượng thức ăn khác nhau, thông thường lượng thức ăn= 1/10 trọng lượng cơ thể:

- Chim 2-5 tháng tuổi: 40-50g thức ăn/con/ngày:

- Chim sinh sản: (6 tháng tuổi trở đi)

+ Khi nuôi con: 125-130g thức ăn/đôi/ngày

+ Không nuôi con: 90-100g thức ăn/đôi/ngày

d. Nước uống
Nhu cầu nước uống của chim bồ câu không lớn, nhưng cần có đủ nước để chim uống tự do. Nước phải sạch sẽ, không màu, không mùi và phải thay hằng ngày.

Có thể bổ sung vào trong nước Vitamin và kháng sinh để phòng bệnh khi cần thiết, trung bình mỗi chim bồ câu cần 50-90ml/ngày.

5. Cách nuôi dưỡng và chăm sóc chim bồ câu

Khi ghép đôi xong, quen với chuồng và ổ, chim sẽ đẻ. Trước khi chim đẻ, chuẩn bị ổ (chỉ dùng 1 ổ). Dùng rơm khô, sạch sẽ và dài để lót ổ; ở những lứa đầu tiên chim thường có hiện tượng làm vãi rơm gây vỡ trứng, do đó nên bện 1 vòng rơm lót vừa khít đường kính của ổ. Nơi ấp trứng phải yên tĩnh, đặc biệt với chim ấp lần đầu nên giảm bớt tầm nhìn, âm thanh, ánh sáng để chim chuyên tâm ấp trứng.


Trong thời kỳ chim nuôi con (từ khi nở đến 28 ngày tuổi) cần thay lót ổ thường xuyên
Khi chim ấp được 18-20 ngày sẽ nở, nếu quả trứng nào mổ vỏ lâu mà chim không đạp vỏ trứng chui ra thì người nuôi cần trợ giúp bằng cách bóc vỏ trứng để chim non không chết ngạt trong trứng.

Trong thời kỳ nuôi con (từ khi nở đến 28 ngày tuổi), cần thay lót ổ thường xuyên (2-3 ngày/lần hoặc có thể 1 tuần/lần), để tránh sự tích tụ phân trong ổ vì đó là nơi lý tưởng cho ký sinh trùng, vi khuẩn và virus sinh sôi nảy nở.

Khi chim non được 7-10 ngày mới tiến hành cho ổ đẻ thứ hai vào. Sau khi tách mẹ, ổ đẻ tương ứng được bỏ ra rửa sạch, phơi khô để bố trí lứa đẻ tiếp theo. Sau khi được 28-30 ngày tuổi chúng ta tiến hành tách chim non khỏi mẹ.

Sau khi rời ổ, chim non chuyển sang một giai đoạn mới phải tự đi lại, tự ăn. Giai đoạn này chim còn yếu, khả năng đề kháng và khả năng tiêu hoá kém dễ sinh bệnh. Do đó cần chú ý công tác chăm sóc nuôi dưỡng. Giai đoạn này nên bổ sung Vitamin A, B, D, các chất kháng sinh...vào nước uống để chống mềm xương, trợ giúp tiêu hoá và chống các bệnh khác. Trong giai đoạn đầu có một số con chưa quen cuộc sống tự lập không biết ăn, uống do đó người nuôi phải kiên nhẫn tập cho chim non.

Nuôi vỗ béo chim lấy thịt: tiến hành tách mẹ lúc 20-21 ngày tuổi (khối lượng cơ thể đạt 350-400g/con) dùng nhồi vỗ béo với mật độ: 45-50 com/m2, không để không gian cho chim hoạt động nhiều, đảm bảo ngoài giờ ăn, uống thì thời gian ngủ là chính. Thức ăn dùng để nhồi: Ngô: 80%, đậu xanh 20%. Cách nhồi: Thức ăn được nghiền nhỏ, viên thành viên nhỏ ngâm cho mềm rồi sấy khô đảm bảo tỷ lệ thức ăn/nước: 1:1. Định lượng: 50-80 g/con; nhồi 2-3 lần/ngày; dùng tay nhét thức ăn vào miệng chim hoặc máy nhồi như vịt; khoáng vẫn được bổ sung tự do, các loại vitamin, thuốc bổ khác được bổ sung trong nước uống.

6. Phòng và trị bệnh cho chim bồ câu

Chim bồ câu có sức đề kháng với dịch bệnh khá tốt, nhưng nếu nuôi theo đàn trong một không gian hẹp thì nguy cơ mắc bệnh là khá lớn. Muốn cho chim bồ câu khỏe mạnh, có sức đề kháng tốt thì trước hết chim phải được nuôi dưỡng trong môi trường tốt, thức ăn được cung cấp đầy đủ.

- Một năm tiêm vác xin phòng bệnh 3 lần cho chim.

- Vệ sinh chuồng trại cho chim bồ câu sạch sẽ. Nên định kỳ 2-3 tháng dọn dẹp làm vệ sinh chuồng, sửa chữa và làm mới chỗ hư hỏng, cạo sạch phân, thay ổ đẻ, phun thuốc sát trùng chuồng.


Giữ gìn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ giúp hạn chế các loại bệnh cho chim

- Vệ sinh máng ăn, máng uống: hàng ngày nên rửa máng uống để tránh cho chim uống nước bẩn, đã lên men do cặn thức ăn đọng lại trong máng. Lồng vận chuyển chim bồ câu cũng là nguồn lây bệnh cho chim, vì ở chuồng có chim bị bệnh và chết thì dễ dàng lây nhiễm bệnh sang chuồng khác. Vì thế lồng khi dùng để vận chuyển chim mới cần phải được lau rửa sát trùng cẩn thận.

- Hạn chế cho chim lạ vào chuồng. Tránh để phân chim vương vãi ra mọi nơi. Phóng tránh chuột, mèo, chó,… tấn công chim.

- Một số bệnh thường gặp ở chim bồ câu như: bệnh kẹt trứng, trứng vỏ mềm, bệnh cầu trùng, bệnh đậu mùa, bệnh herpes virus đường hô hấp,… Cần phải theo dõi kỹ nếu chim bị mắc các bệnh đó thì nên đến các cơ sở hỗ trợ chăn nuôi để được tư vấn loại thuốc phù hợp.

Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu toàn bộ quy trình nuôi chim bồ câu Pháp cho năng suất cao qua bài phỏng vấn ngắn kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Thị Phương Dung, công tác tại Trung tâm khuyến nông Bình Dương:



Tư liệu: Chương trình Bạn nhà nông

Kinh nghiệm nuôi chim bồ câu hiệu quả

Để nuôi chim bồ câu đạt hiệu quả cao, ngoài nắm vững kỹ thuật nuôi, người nuôi cũng nên nằm lòng một số bí quyết. Anh Nguyễn Văn Ơi, thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên chia sẻ một số kinh nghiệm nuôi chim bồ câu hiệu quả:
Cho chim tập làm quen với kẻ thù: Chim bồ câu sợ nhất là mèo và rắn, nên tập cho chim làm quen với chúng bằng cách: Cứ mỗi lần cho chim ăn anh kèm theo con mèo bên cạnh. Lần đầu cho chim thấy mèo, lần sau bắt 2 con lên tay, lần nữa thả mèo cùng ăn với chim. Dần dần 2 con gần gũi nhau, mèo không vồ chim, chim không sợ mèo. Bằng cách đó anh dùng con rắn nhựa làm quen với chim, cho rắn vào chuồng chim. Cứ như thế đàn chim của anh coi mèo, rắn là bạn bè vì thế mà không bỏ đi nơi khác.

Giữ chim ở lại chuồng tránh tình trạng chim bay bỏ chủ mà đi chủ khác: Để giữ chúng cần tập cho chim quen hơi chủ bằng cách nuôi chim càng non càng tốt.

Thường xuyên thăm nom các ổ chim mới nở tạo cho chim không bị sốc về sau, chim trở nên “dạn” gần gũi với chủ hơn.

Cho ăn đúng giờ tạo thói quen, dù có đi ăn xa khi đến giờ ăn chim rủ nhau về nhà để ăn thức ăn quen thuộc của chủ.

Về khả năng sinh sản, muốn chim đẻ đều, tỷ lệ nở cao, con khỏe, nuôi chóng lớn thì cần cho chim ăn đầy đủ, nhất là cám tổng hợp. Nếu nuôi tốt 1 con bồ câu mái sau 4 -5 tháng tuổi bắt đầu đẻ lứa đầu, mỗi lứa đẻ 2 trứng. Sau khi ấp 16 – 18 ngày sẽ nở. Chim con sẽ được giao cho chim trống nuôi dưỡng. Chim mái nghỉ dưỡng sau 7- 10 ngày thì đẻ lứa tiếp theo. Cứ như thế 1 cặp bồ câu bố mẹ sau 1 năm cho ra đời 17 cặp con cháu.

Theo đánh giá của nhiều hộ nuôi chim bồ câu thì tìm đầu ra cho sản phẩm này không khó. Nhu cầu của người dân, các nhà hàng, khách sạn tiêu thụ thịt chim bồ câu khá cao. Một cặp giống bán ra trung bình khoảng 600 ngàn đồng, còn bồ câu ra ràng 120 ngàn đồng/cặp.

Anh Nguyễn Minh Tâm, thôn Thiện Trung, xã Thiện Nghiệp, TP Phan Thiết cho biết: “Nuôi bồ câu không phải lo khâu tiêu thụ. Bồ câu ra ràng là thức ăn ngon và bổ dưỡng. Nhiều gia đình có người đau ốm hay già yếu thường hay đến mua về hầm thuốc bắc để bồi bổ cơ thể. Các nhà hàng trên địa bàn muốn mua phải đặt trước mới có. Bồ câu ra ràng nếu không muốn bán thịt thì để nuôi vẫn tiếp tục sinh lợi”.

Ngoài bán sản phẩm bồ câu ra ràng phục vụ nhu cầu của khách, gia đình anh Tâm còn cung cấp giống cho các hộ nuôi trong và ngoài tỉnh.

Mô hình làm giàu từ nuôi chim bồ câu đã nhân rộng ra rất nhiều tỉnh thành nước ta. Không ít hộ nông dân đã xây dựng được thương hiệu uy tín. Trong số đó phải kể đến tấm gương làm giàu tiêu biểu như:

Trang trại bồ câu Sáng tạo do anh Vũ Trọng Tạo làm chủ tại thôn Trại Tón - Việt Ngọc - Tân Yên - Bắc Giang. Sau hơn hai năm xây dựng và phát triển, trang trại của anh đã cung cấp chim bồ câu giống, chim thịt, gà giống, gà thịt cho rất nhiều các dự án, trang trại, các hộ gia đình, các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận. Anh Tạo đã trở thành gương nông dân làm giàu điển hình của tỉnh Bắc Giang.

Trang trại nuôi chim bồ câu Ngọc Điền của chàng thanh niên trẻ Nguyễn Ngọc Thức (28 tuổi), số nhà 24, tỉnh lộ 8 ấp 3 xã Tân Thạnh Tây, Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay trung bình mỗi tháng trang trại của anh cung cấp cho thị trường khoảng 600 – 700 cặp chim với giá bán khoảng 110.000 đồng/cặp. Ngoài ra, anh còn làm đầu mối thu mua bồ câu của các hộ xung quanh để cung ứng đầy đủ cho khách hàng. Đây là những cơ sở mà anh cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật. Với các đầu mối này cộng với số chim trong trại, hàng tháng anh cung ứng cho khách hàng khoảng 1.500 cặp chim. Với 1.000 cặp chim bố mẹ hiện nay hàng tháng sau khi trừ hết chi phí anh Thức thu về hơn 50 triệu đồng/tháng.

Anh Nguyễn Ngọc Thức (28 tuổi), xã Tân Thạnh Tây, Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh


Mô hình nuôi chim bồ câu đã giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo


Trên đây là một số mô hình nuôi chim bồ câu khá thành công. Hy vọng bài viết có thể đem lại cho người đọc những cái nhìn mới mẻ và hướng làm giàu khả quan từ hình thức kinh doanh này.

Nguồn: Tổng hợp từ internet 


Ghi chú: Các tài liệu và bài viết bạn nên xem:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét